Kế hoạch tài chính để sở hữu căn nhà
Dưới góc nhìn của một chuyên gia,đượcnhàtrướctuổiCầnmộtchínhsáchnhàởgiárẻchongườitrẻukulele nếu đủ điều kiện thì bạn trẻ cần lập kế hoạch ra sao để sở hữu được căn nhà cho mình? Ông Nguyễn Kim Đức, thẩm định viên về giá, Giám đốc Trung tâm kinh tế, luật và quản lý, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, phân tích rằng để có được ngôi nhà mơ ước, người trẻ cần quan tâm về tài chính ở hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là tích lũy để có đủ lượng tài chính phù hợp, thường từ 20 - 30% giá trị căn hộ dự định mua. Giai đoạn hai trả tiền ngân hàng mỗi tháng sau khi mua căn hộ.
Người trẻ ngày càng khó mua được nhà ở TP.HCM |
Ở giai đoạn đầu người trẻ cần liệt kê chi tiết các khoản thu nhập, các khoản chi tiêu cá nhân hằng tháng. Với thu nhập mỗi tháng, người trẻ cần tích lũy trước một lượng cố định, phần còn lại mới dùng để chi xài hằng tháng. Tiếp đến, người trẻ tận dụng cơ chế lãi kép của ngân hàng để gia tăng tỷ suất sinh lợi trên nguồn vốn tích lũy. Giá trị căn hộ định mua cũng như phụ thuộc vào điều kiện hỗ trợ gia đình của mỗi người trẻ.
Ở giai đoạn sau, áp lực trả tiền ngân hàng cũng vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho người trẻ tích lũy được nơi an cư.
“Về thách thức, người trẻ sẽ gặp áp lực khi số tiền trả cho ngân hàng mỗi tháng khá lớn. Để giải quyết bài toán này, người trẻ cần mua căn hộ ở mức giá vừa túi tiền, chú ý về các khoản chi bài trí cho căn hộ mới, lường trước về lạm phát trong tương lai vì lạm phát sẽ làm tăng lãi suất huy động và cho vay, kéo dài thời gian thanh toán nếu nguồn trả nợ những năm đầu tiên còn eo hẹp”, ông Đức phân tích.
Ông Đức nói thêm bạn trẻ trước khi quyết định vay, cần so sánh số tiền tích lũy được hằng tháng ở giai đoạn đầu với số tiền cần trả cho ngân hàng mỗi tháng để đảm bảo thanh khoản cho cá nhân. Quan trọng nhất, áp lực này thường đến ở những năm đầu khi mua nhà. Vì vậy, người trẻ cần cân nhắc lựa chọn các ngân hàng có cung cấp chính sách trả gốc đều bậc thang vì chính sách này rất phù hợp cho người trẻ vì sẽ đẩy được áp lực trả nợ ra những năm sau.
Còn ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa, khuyên giải pháp tốt nhất là giới trẻ nên đón đầu trong thời gian sắp tới vì những chính sách dự án về nhà ở giá rẻ sẽ được thực hiện. Thời điểm tốt nhất rơi vào khoảng giữa và cuối năm 2023 sẽ phù hợp. Ngoài ra, người trẻ nên cân đối thu chi, kiếm thêm các nguồn thu nhập khác nhằm tích lũy tài chính. Từ đó sẽ có thêm nhiều cơ hội để lựa chọn nhà cho mình. Đồng thời, người trẻ nên chờ khi lập gia đình hãy tính chuyện mua nhà, nếu còn độc thân hãy tiết kiệm tiền. Ông Quang hy vọng các doanh nghiệp cùng với chính sách nhà nước sắp tới sẽ mở ra nhiều cơ hội mua nhà cho người trẻ hơn.
Người trẻ muốn mua được nhà cần tính toán thật kỹ |
Nhật Thịnh |
Để người trẻ “an cư” và cống hiến cho thành phố
Ông Mã Xuân Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tư vấn đầu tư bất động sản TP.HCM, cho rằng đặc thù của TP.HCM là thành phố năng động, lực lượng lao động trẻ luôn đông đảo. Khi người trẻ trưởng thành luôn thích sự độc lập, xây dựng gia đình riêng, nhu cầu về nhà ở với đối tượng này ngày càng tăng cao nhưng mặt bằng chung về nhà ở giá rẻ lại càng hiếm. Cho nên, người trẻ chủ yếu hiện nay phải tự bươn chải, tìm chỗ ở tại những căn nhà trọ, căn hộ mini chật hẹp hoặc “gồng mình” để mua những căn hộ thương mại giá cao, nợ ngân hàng dai dẳng. Từ đó dẫn đến chất lượng sống, sự cống hiến của lao động trẻ không cao, bởi không có nơi “an cư lạc nghiệp”.
Ông Tuấn cho rằng chính sách nhà ở xã hội hiện nay của TP.HCM dường như không dành cho đối tượng lao động trẻ nhập cư. Vẫn chưa có tiêu chí nào về nhà ở xã hội cho các đối tượng như: lao động tự do, nhân viên văn phòng, sinh viên mới ra trường, người làm công ăn lương không phải viên chức… dù lực lượng này là nòng cốt góp phần phát triển thành phố.
Còn ông Trần Khánh Quang cũng nhìn nhận đây là bài toán khó luôn đeo bám những bạn trẻ chọn thành phố là nơi sinh sống. Thời điểm gần đây phân khúc nhà ở được bán ra nhiều thường nằm ở các quận vùng ven như: TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh, H.Nhà Bè… với giá thành từ 1,5 - 2,5 tỉ/căn hộ. Còn ở những nơi xa thành phố hơn như các vùng giáp ranh thuộc Long An, Bình Dương, Đồng Nai… đều có mức giá thấp hơn, dao động từ 1,2 - 1,5 tỉ/căn hộ. Những vị trí gần trung tâm giá dao động từ 3 tỉ trở lên và gần như nằm ngoài tầm đại đa số người trẻ.
Từ thực tế đó, ông Quang nhìn nhận thời điểm hiện tại, cơ cấu nhà ở bán ra 90% hiện nay dành cho đầu tư, 10% còn lại mới là nhu cầu thực. Nghĩa là, người trẻ muốn mua nhà để ở hiện nay cực kỳ khó. Người trẻ có rất ít sự lựa chọn về nhà ở bởi những dự án về nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội hiện nay nguồn cung rất thấp, không đáp ứng đủ nhu cầu so với tỷ lệ người trưởng thành đang sống ở thành phố.
“Người trẻ thường làm việc ở trung tâm, nơi tập trung mật độ lao động cao nhưng các dự án, nhà ở đều nằm rất xa so với nơi làm việc. Điều kiện di chuyển cực kỳ khó khăn và tốn kém nhất là chi phí phát sinh như: giá xăng, thời gian, kẹt xe, hao mòn sức khỏe… Dù mua được nhà giá thấp thì tổng chi phí phát sinh của một bạn trẻ phải bỏ ra mỗi năm đều tương đồng với mua nhà ở gần trung tâm. Ngược lại, nhà ở gần trung tâm giá khá cao, tiềm lực tài chính của người trẻ cũng khó với tới được, đó là điều nghịch lý hiện nay. Do đó, nhà ở vùng ven cũng chưa thực sự phù hợp với hoàn cảnh và không phải là sự ưu tiên của người trẻ”, ông Quang nêu thêm lý do.
Ông Mã Xuân Tuấn kiến nghị TP.HCM cần có những quan sát cụ thể hơn với thực tế cuộc sống những nhóm người trẻ, lao động trẻ hiện nay. Thành phố nên quan tâm, đưa ra một chính sách xây dựng nhà ở giá rẻ, nhà cho thuê để người trẻ có thể yên tâm làm việc, cống hiến sức trẻ cho thành phố để thành phố trở thành nơi đáng sống.